Metro Exodus – Khởi đầu vào khoảng thời gian gần 9 năm trước với quy mô tương đối khiêm tốn, Metro 2033 là một tựa game đáng để thưởng thức vào thời bấy giờ, không chỉ bởi lối chơi độc đáo xoay quanh bối cảnh đường hầm tăm tối, mà còn ở nội dung tròn trịa vẽ nên bức tranh về cuộc sống của loài người thời hậu chiến tranh.
Tuy nhiên, Metro 2033 lại không hẳn là một sản phẩm thành công về mặt thương mại khi bị những thương hiệu lớn lúc bấy giờ cướp mất mọi ánh đèn, một phần cũng là do chỉ phát hành trên PC và Xbox 360.
Phải mất thêm ba năm sau đó, Metro: Last Light mới bắt đầu gặt hái được những thành công khi viết tiếp nên cuộc hành trình của người lính Spartan – Artyom và xoáy sâu vào các vấn đề tôn giáo, tâm can của con người, những cuộc chiến sinh tồn khốc liệt bên dưới đường hầm Metro.
Càng đáng khâm phục hơn nữa khi đội ngũ 4A Games đã “nằm gai nếm mật” làm việc trong môi trường và điều kiện tồi tệ.
Thành công của Metro: Last Light không những chính thức đưa dòng game này ra “ánh sáng” mà còn là thành quả xứng đáng cho riêng đội ngũ 4A Games.
5 năm dài sau khi Metro: Last Light ra mắt, 4A Games mới cho ra mắt hậu bản tiếp theo mang tên Metro Exodus.
Đáng tiếc rằng sau màn ra mắt thành công tại E3, mọi thứ sau đó trở thành một mớ hỗn độn xoay quanh vấn đề liên quan đến Epic Games Store và câu chuyện về một trong những nhân viên tại 4A Games chỉ trích cộng đồng game thủ PC.
Bỏ qua những vấn đề đó, không thể phủ nhận, Metro Exodus là một trong những tựa game đáng chú ý nhất của năm và cũng giống như cái tên “Exodus” của mình, đây sẽ là cuộc di cư rời khỏi miền lạnh giá và không khí ngột ngạt của đường hầm Metro để đến với những chân trời mới.
BẠN SẼ THÍCH
NHỮNG MIỀN ĐẤT MỚI
Sau những sự kiện diễn ra ở Metro Last Light, Artyom vẫn tiếp tục tìm kiếm sự sống bên ngoài đường hầm Metro trong vô vọng, rất nhiều những thành viên khác xung quanh đều gần như an phận với những gì mình có và không còn động lực gì ngoài tiếp tục bảo vệ cuộc sống hiện tại trong yên bình.
Nhưng trong một lần ra ngoài như thường lệ giữa Artyom và Anna, một biến cố đã xảy đến, bức tranh về đường hầm Metro lộ ra những sự thật mà trước đó, những cư dân dưới đường hầm Metro không hề hay tới.
Sự kiện này giống như một quân cờ domino ngã xuống, kéo theo hàng loạt những bí mật được phanh phui và rằng mọi thứ gieo rắc trong đầu người chơi từ 9 năm về trước đều là… giả dối!
Cách thức kể chuyện của Metro Exodus so với hai game tiền nhiệm có phần chậm hơn đôi chút, nhưng cũng vì vậy mà lượng thông tin người chơi cần nắm lại trở nên cô động, vừa phải, tuy không thể giúp người mới đến rõ hết tận tường song cũng không quá “ngộp”.
Nếu ví Metro Exodus là một bản nhạc thì 4A Games đã dâng cho người chơi đầy đủ các tiết tấu trải đều từ nhẹ nhàng, sâu lắng, đến dồn dập, gấp gáp khi cần thiết, cũng có những quãng nghỉ nhất định và kèm theo là đôi phần… lê thê không cần thiết.
Điều này cũng làm xoa tan đi phần nào cái không khí ngột ngạt vốn đè nén quá nhiều trong hai phiên bản trước.
Các nhân vật cũ lần này quay trở lại đều tạo được sức nặng cho tổng thể cốt truyện, thời lượng xuất hiện của họ vừa đủ để truyền tải những khía cạnh rất thực về ước muốn cho đời sống con người và thể hiện được nhưng cảm xúc khác nhau.
Những nữ nhân như Anna hay Guil cũng có đủ đất diễn để bày tỏ nỗi lòng và chứng minh bản thân mạnh mẽ không thua gì những người đàn ông, bên cạnh đó, cũng phải kể đến đại tá Miller khi có màn trở lại ấn tượng, dù những phút khởi đầu dễ làm người chơi “nổi máu”.
Mang cái tên “Exodus” và những hình ảnh đầu tiên tại E3 cũng đã thấy rõ, phiên bản lần này không còn tập trung quá nhiều vào bối cảnh đường hầm u tối cùng chiếc mặt nạ ngột ngạt, mà trải dài tới những vùng đất khác nhau.
Điểm đáng khen là khi mở rộng bối cảnh và cả quy mô của mỗi màn chơi, nhưng cái chất từng khiến cho những ai mê đắm dòng Metro vẫn còn đó, từng nơi Artyom đặt chân đến đều mang lại những cảm giác khác nhau và đem lại cả những thử thách mới, song trải nghiệm đều đáng giá như nhau.
Từng gam màu thể hiện cho từng sắc thái khác nhau mà một lần nữa phải khen cho tài năng thiết kế của đội ngũ 4A Games, bắt đầu từ chốn cũ nơi Moscow chìm trong băng giá, không lâu sau đó người chơi bước vào The Volga với những đầm lầy cùng mối nguy hiểm từ trên cạn, dưới nước đến cả trên không.
Lần đầu tiên, màn chơi của dòng game Metro không còn là những khu vực chật hẹp tuyến tính mà là một bản đồ tương đối “mở”, vừa đủ để đặt vào đó vài địa điểm để nghỉ chân, vài khu vực để khám phá, hai ba nhiệm vụ phụ và cả hệ thống luân chuyển ngày – đêm.
Tất nhiên, cũng có những màn chơi “tuyến tính” truyền thống với không gian chật hẹp và tiết tấu nhanh như trường đoạn ở Yamantau gợi nhớ lại trận đánh hào hùng tại khu vực D6 trong Metro: Last Light.
phiên bản lần này không còn tập trung quá nhiều vào bối cảnh đường hầm u tối cùng chiếc mặt nạ ngột ngạt, mà trải dài tới những vùng đất khác nhau
Đây cũng là lần đầu tiên mà dòng game Metro khoác lên mình một lớp áo mới rũ bỏ băng tuyết và cái khung cảnh ảm đạm mà người chơi từng biết. Khung cảnh đã trải rộng sang mùa xuân với những tán cây, cành lá đón ánh mắt trong sương sớm, hay cả khung cảnh hoang mạc khô cằn.
Cho dù ở bất kì đâu, mỗi khi dừng lại bạn cũng sẽ bắt được những hình ảnh đáng giá và có thể dùng làm hình nền máy tính ngay lập tức. Tuy là lần đầu tiên với những bối cảnh mới, nhưng đội ngũ của 4A Games vẫn đảm bảo được độ chi tiết trong mỗi khung hình và sự đặc trưng của từng nơi một cách xuyên suốt.
Vẫn giữ truyền thống “đồ họa đẹp” từ trước, Metro Exodus là tựa game thứ hai áp dụng công nghệ Ray Tracing và DLSS đến từ Nvidia sau Battlefield V.
Tuy nhiên, qua những lần người viết trực tiếp trải nghiệm, công nghệ này vẫn chỉ cho ra sự khác biệt trong những màn chơi lấy bối cảnh ngoài trời nhưng bù lại lại tạo nên một lớp màn hơi mờ, chứ chưa thể để lại ấn tượng mạnh như Battlefield V đã từng làm.
Dẫu vậy, đồ họa của Metro Exodus vẫn rất tuyệt vời kể cả khi không bật hai công nghệ trên từ ánh sáng, chi tiết của vật thể, đến hiệu ứng nước, gió bụi, khói… điểm đáng phàn nàn duy nhất là biểu cảm và cử động của nhân vật trong mỗi đoạn hội thoại vẫn còn cứng nhắc, làm giảm đi đôi chút cảm xúc.
NHỮNG TRẬN CHIẾN MỚI
Dòng game Metro trước đây là một sự hòa trộn giữa bắn súng, lén lút và sinh tồn, bên cạnh những lần chạm trán, đụng độ trước các kẻ thù từ người đến quái vật đột biến thì 4A Games vẫn cho người chơi thêm lựa chọn vượt qua mọi chướng ngại mà không cần phải gây ra bất kì tiếng động nào.
Công thức này vẫn được giữ nguyên trong Metro Exodus nhưng được tinh chỉnh và thêm thắt lại đôi chút để cho phù hợp với những đổi mới từ chính bản thân của game.
Metro Exodus vẫn mang hình hài của một tựa game bắn súng thông thường, nhưng mở rộng thế giới cũng đồng nghĩa người chơi phải lần mò nhiều hơn các ngóc ngách để có đủ cho mình lượng trang bị cần thiết như dạn dược, các món đồ để ném hay bình oxi…
So với các game bắn súng khác, Metro Exodus không hướng đến lối chơi xả đạn như “mưa” mà giới hạn một cách vừa đủ đồ nghề, khiến cho người chơi buộc phải tiết kiệm “vốn luyến”.
Tất nhiên, lối chơi lén lút cũng có thể được áp dụng để hạn chế tình huống bứt dây động rừng, rồi sau đó kẻ thù dùng số đông để áp đảo.
Cũng phải nói thêm, lén lút trong Metro Exodus nói riêng và cả dòng game nói chung đều không phải là chuyện dễ dàng hay được làm hời hợt, chỉ cho có.
Trước đây, Metro: Last Light đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn kha khá nếu chọn theo hướng im lặng, thì mọi thứ giờ đây dễ hơn đôi chút khi 4A Games khéo léo bố trí những đường đi, kẽ hở mà nếu thăm dò và để ý quan sát là có thể phát hiện ra.
Lựa chọn thời điểm để đột kích cũng là yếu tố then chốt, khi đơn độc đột nhập vào ban ngày thì khả năng bị phát hiện sẽ tăng cao hơn rất nhiều so với ban đêm và tắt hết các ánh đèn.
So với các game bắn súng khác, Metro: Exodus không hướng đến lối chơi xả đạn như “mưa” mà giới hạn một cách vừa đủ đồ nghề, khiến cho người chơi buộc phải tiết kiệm “vốn luyến”
Ngược lại, nếu tấn công thẳng mặt và tạo ra sức ép nhất định thì cũng có khả năng một số kẻ thù sẽ buông súng đầu hàng giúp người chơi tiết kiệm thêm một cơ số đạn, hay hạn chế rủi ro phải tốn Medkit để hồi máu.
Đơn vị tiền tệ được tính bằng đạn dược đã được loại bỏ và thay thế bằng một hệ thống chế đồ – tính năng thường thấy trong các game nhập vai gần đây.
Trong Metro: Exodus, mọi thứ được đơn giản hóa ở mức vừa phải khi gói gọn trong hai nguyên liệu chính: Metal và Alchemy.
Chúng xuất hiện ở mọi nơi và tất cả mọi món đồ chế được chỉ là tốn cái nào nhiều hơn.
Điều này có thể làm cho một số game thủ khó tính bực mình vì nếu không muốn rơi vào cảnh đạn dược thiếu thốn thì phải chịu khó thu thập nguyên liệu, vì lượng đạn rơi ra hay lượm được không còn dồi dào như trước, mà như vậy lại tốn thêm một khoảng thời gian không nhỏ để đi lanh quanh vô tình làm “loãng” đi nhịp game.
Rồi mỗi lần nhặt các nguyên liệu như vậy, người chơi lại phải đi tìm Workbench để chế tạo, vì túi đồ của Artyom chỉ có thể đảm nhận chế tạo các món đồ đơn giản hay tháo ráp các bộ phận của những khẩu súng.
Đó cũng là lí do khiến người chơi buộc phải biết quý trọng từng viên đạn một.
Bên cạnh đó, sau mỗi lần giao chiến hay bị các loài đột biến tấn công, những khẩu súng sẽ bị bẩn và gây ra một số vấn đề khó chịu như giảm sát thương, kẹt đạn.
Do vậy, giá trị của Workbench và tầm quan trọng cả khâu chuẩn bị trước mỗi lần bước ra khỏi nơi an toàn được nâng tầm lên rất nhiều.
Còn về vũ khí, xét về số lượng thì cũng không hơn hai phiên bản trước, đổi lại việc cho phép “độ” súng rất chi tiết cũng là nét đặc biệt dành cho Metro: Exodus.
Bằng cách thu thập những bộ phận được đặt khắp nơi hay phân rã từ chính vũ khí của kẻ thù sẽ giúp người chơi tự tay tạo nên những món vũ khí vừa ý nhất.
Riêng nếu nói về ấn tượng thì sự xuất hiện của khẩu Tihar phải kể đến đầu tiên, đây cũng chính là vũ khí có thể chuyển đổi các loại đạn khác nhau một cách linh hoạt nhất, vừa cực kì lợi hại khi cần phải lén lút, bởi không phát ra âm thanh vừa hiệu quả trong những lần đối đầu trực diện.
Bất tiện duy nhất có lẽ là… phải nạp đủ khí nén mỗi lần sử dụng.
Nội dung được mở rộng, kéo theo đó cũng là những kẻ thù khác nhau phù hợp với bối cảnh ở mỗi màn chơi.
Nếu như dưới đường hầm Metro là những loài thú đột biến quen thuộc, thì càng về sau, người chơi càng bắt gặp những loài to lớn hơn hung hãn hơn.
Đối với người viết, lần đầu chạm trán Tsar Fish đã để lại cái cảm giác nổi gai óc trước con quái thú, kèm với đó là sự sợ hãi khi cảm thấy bản thân trong vai anh chàng Artyom quá nhỏ bé trước sức mạnh và sự hung hãn đến đáng sợ của loài cá này.
Dù các loài đột biến để lại sự đáng sợ đến kinh người, nhưng hết một nửa thời lượng sẽ là những cuộc chám trán giữa người với người và một lần nữa, Metro: Exodus vẫn làm tốt.
Xin được dùng một từ “tốt” thôi bởi vì AI cũng còn một số hạn chế nhất định, dễ nhận thấy nhất là trong những đoạn cần phải lén lút.
Tuy vậy, nhờ vào cảm giác mỗi viên đạn được bắn ra khá đã tay mà điều này cũng được khỏa lấp ngay sau đó.
BẠN SẼ GHÉT
NHỮNG VẤN ĐỀ KỸ THUẬT
Dòng game Metro trước giờ có tiếng là đẹp nhưng không ổn định, truyền thống này lại tiếp tục được kéo dài thêm một phiên bản nữa.
Bản thân người viết khi trải nghiệm Metro Exodus đã trải qua không dưới 5 lần bị văng (crash) một cách tức tưởi trong lúc chơi và cũng gần 10 lần bị “kẹt” ở màn hình nạp game ngay lúc đầu, buộc phải tắt và mở lại mới khắc phục được vấn đề.
Những hạt “sạn” trong đồ họa của Metro Exodus cũng là thứ mà người chơi sẽ gặp cũng không ít lần trong suốt thời lượng, đó có thể là nhân vật nằm ngủ lơ lửng trên mặt đất, mô hình kẻ thù trùng lập… những điều này đã làm mất đi một phần nào đó giá trị của Metro Exodus so với những ấn tượng ban đầu.
Là một tựa game tốn đến 60 USD để mua về, Metro Exodus lại không hề có tính năng lưu game trên đám mây.
Điều này làm người viết cảm thấy khá phiền lòng bởi vì nếu muốn chơi game ở một nơi nào khác ở bên ngoài thì buộc phải tìm cách mang tập tin lưu theo, có thể là chép qua ổ cứng di động hoặc đơn giản là dùng Google Drive.
Dòng game Metro trước giờ có tiếng là đẹp nhưng không ổn định, truyền thống này lại tiếp tục được kéo dài thêm một phiên bản nữa
Metro Exodus không chỉ là cuộc di cư đến những miền đất mới của riêng anh chàng Artyom, mà còn đưa người chơi đi qua những đổi mới của chính dòng game này. Rời xa con đường hầm với những ánh đèn le lói và khung cảnh buồn vẽ nên bởi tuyết, đội ngũ 4A Games không hề bị “ngộp” khi đưa Metro Exodus ra một thế giới rộng lớn hơn trước rất nhiều, dẫu cho đây cũng chính là lần đầu tiên của họ.
Bỏ ngoài tai những câu chuyện bên lề không mấy hay ho, Metro Exodus không chỉ là lời khẳng định cho tài năng vượt khó của 4A Games, mà còn chứng minh những tựa game bắn súng thuần chơi đơn vẫn có sức sống mãnh liệt trong thời đại mới.
Thông tin
Metro Exodus
- Nhà phát triển
4A Games
- Nhà phát hành
Deep Silver
- Thể loại
Hành động
- Ngày ra mắt
15/02/2019
- Nền tảng
Windows, Xbox One, PlayStation 4
Cấu hình tối thiểu
- Hệ điều hành
Windows 7 (64-bit)
- CPU
Intel Core i5-4440
- RAM
8GB
- GPU
GeForce GTX 670 / GeForce GTX 1050 / AMD Radeon HD 7870
- Lưu trữ
59GB
- Thiết bị
N/A
Cấu hình thử nghiệm
- Hệ điều hành
Windows 10 Pro 64-bit
- CPU
I7 4790 @ 3.6 GHz
- RAM
16GB
- GPU
MSI RTX 2070 8GB
- Lưu trữ
1TB
- Thiết bị
N/A